Rằm tháng Giêng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Một trong những việc làm không thể thiếu trong ngày này là chuẩn bị mâm cơm cúng. Vậy làm thế nào để có một mâm cúng đầy đủ và ý nghĩa? Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách làm mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng một cách chi tiết.
Ngày Rằm tháng Giêng có ý nghĩa gì?
Ngày Rằm tháng Giêng là ngày 15/1 Âm Lịch, là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, được gọi là Tết Nguyên Tiêu. Đây là một lễ tiết quan trọng trong năm, người Việt thường đi lễ chùa, lễ Phật và làm cơm cúng tại gia vào ngày này để mong bình an, sức khỏe và may mắn.
Mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như phong tục tập quán của địa phương mà mâm cúng được chuẩn bị khác nhau. Mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng sẽ đầy đủ các vị: vị cay của ớt, vị mặn của nước chấm, vị chua của dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả sẽ tạo nên mâm cỗ đủ đầy với mong ước gia đình sẽ luôn được bình an, xua đi những đen đủi của năm cũ, đón chào một năm mới có nhiều may mắn hơn.
Bên cạnh đó, mâm cơm này cũng mang ý nghĩa thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn con cháu đối với ông bà tổ tiên, Thần Phật và cầu mong an lành, hạnh phúc.
Người ta thường làm 2 mâm cỗ gồm: mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng Gia Tiên. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi gia đình và văn hóa tại địa phương mà có thể chỉ chuẩn bị 1 mâm cúng.
Hướng dẫn cách làm mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng
Mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng không chỉ đơn thuần là bữa ăn mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Để lễ cúng được trọn vẹn, chúng ta cần chuẩn bị những gì?
Chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Phật ngày Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng là ngày mà Đức Phật giáng lâm, vì vậy các gia đình Phật tử đều coi ngày này là ngày cúng Phật. Bên cạnh việc lên chùa cầu an, thì gia chủ còn chuẩn bị mâm lễ để cúng tại gia. Mâm lễ sẽ bao gồm hương, hoa tươi, đèn nến, xôi oản, hoa quả tươi và các món chay được gia đình chuẩn bị. Trong mâm cỗ chay thường có 2 món là chè trôi nước và xôi gấc.
Cách làm chè trôi nước
Mâm cúng chay không thể thiếu đi món chè trôi nước, bởi tục lệ này mang ý nghĩa mọi việc sẽ luôn trôi chảy, thuận lợi. Chè có hương vị ngọt ngào, béo ngậy, mang đến điều may mắn, tốt đẹp và bình an.
Cách làm
Bước 1: Rửa sạch đậu xanh đã tách vỏ, ngâm với nước nóng khoảng 1 tiếng. Đem hấp chín đậu xanh, sau đó đánh nhuyễn với đường, vo thành viên nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Nhào bột nếp với nước ấm đến khi bột mịn, không dính tay. Ủ bột trong 30 phút để bột nghỉ.
Bước 3: Lấy một miếng bột nếp lớn gấp đôi viên đậu xanh, vo tròn rồi cán mỏng. Đặt viên đậu xanh vào giữa rồi gói kín bột lại.
Bước 4: Mang bánh đi luộc chín
Bước 5: Xào gừng với đường đến khi đường tan hết, ngả màu vàng, sau đó đổ nước và đường thốt nốt vào
Bước 6: Khi nước đường đã sôi, cho các viên bánh vào chung. Nấu khoảng 5 phút thì múc ra bát và dùng nóng. Có thể cho thêm nước cốt dừa vào để tăng vị ngon của chè.
Xem thêm: Hướng dẫn chuẩn bị bày mâm cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà
Cách làm xôi gấc
Xôi là món ăn xuất hiện nhiều trong các mâm cúng của người Việt. Đối với Rằm tháng Giêng, người ta thường cúng xôi gấc để có màu đỏ đẹp, tượng trưng cho sự may mắn và đủ đầy.
Cách làm:
Bước 1: Vo gạo nếp, ngâm khoảng 6 đến 8 tiếng, đêm rửa sạch để ráo nước. Trộn gạo nếp đã vo với một chút muối và dầu ăn.
Bước 2: Cho một ít rượu trắng vào thịt gấc đã nạo, trộn với gạo nếp rồi mang đi hấp. Hấp xôi bằng xửng hoặc bằng nồi cơm điện đều được.
Bên cạnh hai món trên, gia chủ cần chuẩn bị thêm các món chay khác từ đậu hũ, nấm, kết hợp với các loại rau. Gợi ý một số món chay mà gia chủ có thể chuẩn bị với nguyên liệu dễ tìm và cách chế biến đơn giản như: đậu hũ nấm kho chay, nấm kho tiêu chay, canh rong biển đậu hũ chay,...
Chuẩn bị mâm cúng Gia Tiên ngày Rằm tháng Giêng
Mâm cúng Gia Tiên về cơ bản không khác gì so với mâm cúng vào ngày Tết. Tùy vào điều kiện kinh tế cũng như phong tục tập quán mỗi địa phương mà có thể chuẩn bị khác nhau. Nhưng nhìn chung, mâm cũ cúng Gia Tiên ngày Rằm tháng Giêng đều có những món ăn truyền thống, quen thuộc trong ngày Tết. Một số món ăn mà gia chủ có thể chuẩn bị như:
- Bánh chưng: tượng trưng cho đất, mang ý nghĩa cầu mong năm mới vạn sự như ý, mọi việc đều thuận lợi.
- Xôi gấc: màu đỏ của xôi gấc không chỉ làm mâm cơm cúng thêm phần đẹp mắt mà còn có ý nghĩa mang đến may mắn, sự đầy đủ cho gia chủ.
- Gà luộc: con gà trống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, không thể thiếu trong mâm cúng của người Việt Nam.
- Chân giò luộc: đây là món ăn tượng trưng cho sự đầy đủ, sung túc. Món này cũng có thể được thay thế bởi chả giò.
- Nem rán: món ăn này mang ý nghĩa của sự đùm bọc, yêu thương.
- Dưa hành muối: đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết
- Canh măng: ngoài ra, gia chủ cũng có thể thay thế bằng canh mọc hoặc canh miến
Xem thêm: Văn Khấn Bài Cúng Hóa Vàng Ngày Tết Tại Nhà
Những lưu ý cần biết khi cúng Rằm tháng Giêng
Bên cạnh việc nắm chắc được cách làm mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng, gia chủ cũng nên biết những lưu ý sau đây để việc thờ cúng được trọn vẹn:
- Nên cúng vào giờ Ngọ, từ 11 giờ tới 13 giờ ngày Rằm tháng Giêng. Vào ngày này, gia chủ nên đi chùa cầu bình an, ăn chay làm việc thiện để năm mới vạn sự đều tốt lành.
- Chuẩn bị không gian cúng trước bàn thờ gia tiên gọn gàng, nếu không đủ chỗ bày trí thì kê thêm một chiếc bàn.
- Người cúng phải ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng, thắp nhang để mời gia tiên về cúng Rằm
- Khi đọc bài cúng thì không cần đọc to nhưng phải rõ ràng, thành kính
- Sau khi cháy hết nhang thì gia chủ lấy tiền vàng đi hóa để tạ ơn cho ngày Rằm tháng Giêng
Trên đây là hướng dẫn cách làm mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng chuẩn phong tục cổ truyền. Dù mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng có đơn giản hay cầu kỳ đến đâu, điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính của người con cháu. Hãy chuẩn bị mâm cỗ với tất cả tấm lòng yêu thương và sự biết ơn, chắc chắn ông bà, tổ tiên sẽ cảm nhận được và ban phúc lành cho con cháu.