Việc viết sớ để cầu xin phúc lộc, bình an là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Sớ phúc lộc thọ với những lời văn cầu khẩn chân thành, đã trở thành cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh. Nhưng không phải ai cũng biết cách viết sớ phúc lộc thọ như thế nào cho chuẩn. Trong bài viết dưới đây, đồ đồng Thiên Phúc sẽ hướng dẫn chi tiết về vấn đề này, mời quý độc giả cũng tham khảo.
Sớ là gì? Ý nghĩa của sớ
Trong văn hóa truyền thống Việt Nam và một số nước châu Á khác, "sớ" thường được hiểu như sau:
-
Sớ là một loại văn bản: Thường được viết tay trên giấy, dùng để trình bày một vấn đề, một lời cầu nguyện, một yêu cầu lên cấp trên, thần linh hoặc tổ tiên.
-
Sớ là một nghi thức: Việc viết và trình sớ là một nghi thức mang tính tâm linh, thể hiện sự tôn kính và cầu xin sự phù hộ của thần linh, tổ tiên.
-
Sớ là một hình thức giao tiếp: Sớ là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh, giúp con người bày tỏ nguyện vọng, nỗi niềm của mình.

Hướng dẫn cách viết sớ chi tiết
Viết sớ là một nghi thức tâm linh quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng. Để thực hiện nghi thức này một cách chính xác, trước tiên chúng ta cần nắm vững được thể thức và bố cục của lá sớ.
Thể thức lá sớ
Sớ được thiết kế văn bản theo thể thức sau:
Lề lối viết sớ cổ:
Thượng trừ bát phân
Hạ thông nghĩ tẩu
Tiền trừ nhất chưởng
Hạ yếu không đa
Sơ hàng mật tự
“Tử” tự bất lộ đầu hàng
“Sinh” tự bất khả hạ tầng
Độc tự bất thành hàng
Bất đắc phân chiết tính danh
Dịch nghĩa:
Lề trên bỏ tám phân (khoảng 4cm)
Lề dưới bằng đường kiến chạy
Lề trước bỏ khoảng cách bằng 1 bàn tay
Lề sau không quan trọng
Không để trống dòng
Chữ “Tử” không để trên cùng
Chữ “Sinh” không để dưới cùng
Một chữ không thành dòng
Tên người không chia 2 dòng.
Một lá sớ không chỉ đơn thuần là một tờ giấy ghi chữ mà còn có những quy tắc bố cục nghiêm ngặt, thể hiện sự tôn kính đối với thần linh. Cùng tìm hiểu những quy tắc ấy nhé:
-
Lưu không: Phần đầu tờ sớ được để trống một khoảng rất nhỏ, chỉ vừa bằng một ngón tay, còn phần cuối thì rộng hơn, khoảng bốn ngón tay. Cách bố cục này được gọi là “tiền lưu nhất chưởng, hậu yêu không đa”, thể hiện sự cân đối và hài hòa.
-
Canh lề: Một cách gọi khác của phần lưu không là canh lề. Người xưa quan niệm rằng, canh lề trên tờ sớ phải rất rộng, còn canh lề dưới thì hẹp chỉ đủ cho một con kiến bò qua. Quy tắc này được thể hiện qua câu “thượng trừ bát phân, hạ thông nghĩ tẩu”.
-
Khoảng cách giữa các chữ: Các chữ trên tờ sớ được viết cách nhau khá thưa, nhưng khoảng cách giữa các hàng chữ lại rất sát. Người xưa gọi cách viết này là “sơ hàng mật tự”, tức là các hàng chữ được viết liền nhau như những hạt châu.
-
Mỗi chữ một cột: Mỗi chữ trên tờ sớ đều phải được viết riêng biệt, không được ghép chung với chữ khác. Quy tắc này được gọi là “nhất tự bất khả nhất hàng”.
-
Họ tên người viết: Họ và tên của người viết phải được viết liền nhau trong cùng một cột, không được tách rời. Quy tắc này được thể hiện qua câu “bất đắc phân chiết tính danh”.

Bố cục lá sớ
Cấu trúc một lá sớ truyền thống thường bao gồm các phần sau:
-
Lời mở đầu (phi lộ): Đây là một câu văn biền ngẫu mang tính chất cầu kỳ, thể hiện sự thành kính và mong ước của người viết. Ví dụ, trong sớ cầu phúc, ta thường thấy câu "Phúc Thọ Khang Ninh nãi nhân tâm chi kỳ nguyện...".
-
Thông tin về người viết và nơi tiến sớ: Phần này ghi rõ họ tên, địa chỉ của người viết và nơi mà lá sớ được gửi đến (đền, chùa, miếu...).
-
Lý do dâng sớ: Người viết nêu rõ mục đích của việc dâng sớ, có thể là cầu xin sức khỏe, tài lộc, bình an, hoặc giải hạn...
-
Thông tin cá nhân: Phần này cung cấp thêm thông tin về người viết như tuổi, mệnh, sao... nhằm giúp các vị thần linh hiểu rõ hơn về người cầu xin.
-
Lời khẩn cầu: Người viết bày tỏ lòng thành và khẩn thiết cầu xin sự phù hộ của các vị thần linh.
-
Lời kết: Phần này thường khép lại bằng một câu văn ngắn gọn, thể hiện sự biết ơn và mong muốn được đáp ứng.
Hướng dẫn cách viết sớ Phúc Lộc Thọ
Có rất nhiều loại sớ khác nhau, mỗi loại lại phù hợp với một mục đích, một nghi lễ cụ thể. Tuy nhiên, đối với những chuyến hành hương, bạn có thể sử dụng mẫu sớ Phúc Thọ (hoặc Phúc Lộc Thọ). Sớ Phúc Thọ là một mẫu sớ linh hoạt, có thể dùng để lễ tại chùa, đền, phủ, đình, điện vào các dịp như mùng một, rằm, lễ hội hoặc đầu năm, cuối năm.
1. “…Việt Nam Quốc…”
Đây là dòng quý vị điền thông tin về nơi cư trú của quý vị hoặc của người đi lễ. Với quy định địa danh lớn viết trước rồi sắp xếp nhỏ dần.
Cuối dòng này luôn được kết thúc bằng 2 chữ “Đầu Vu” nghĩa tương đương giống: gửi tới, hướng về…
Nếu từ xa đến lễ thì có thể thay là “Nghệ vu”.
Nếu ở gần đi lễ thì có thể thay là “Y vu”.
Nếu địa chỉ của quý vị quá dài dẫn đến viết 1 dòng không đủ thì có thể chia làm 2 dòng song song. Cách viết này gọi là “viết song cước”.
2. “…Thượng phụng”
Đây là vị trí quý vị điền tên tự của Chùa, Đền, Phủ, Điện… nơi quý vị đi lễ. Ở đây có 2 lưu ý:
Cần phân biệt “Tên tự” và “Tên thường gọi”. Đây là điều rất nhiều người, kể cả các thầy viết sớ lâu năm vẫn mắc phải.
Nói ví thử như “tên tự” là tên một người dùng trên các giấy tờ có tính pháp lý như giấy khai sinh, chứng minh thư, bằng lái xe…Còn “tên thường gọi” là biệt danh, bút danh, tên gọi hàng ngày, không có giá trị giấy tờ pháp lý.
Cũng vậy, “Tên tự” là tên Đền, Chùa được ghi trên hoành phi nơi chính điện. Còn “tên thường gọi” là dân gian vẫn truyền khẩu gọi tên.
Có những nơi tên tự và tên thường gọi trùng nhau nhưng có những nơi hai tên này lại khác nhau.
Những khi như vậy có thể ghi
“Linh từ” hoặc “Tối linh từ” nếu dâng sớ ở đền.
“Thiền tự” hoặc “Đại thiền tự” nếu dâng sớ ở chùa.
“Linh Điện” nếu dâng sớ ở điện.
“Đình Vũ” nếu dâng sớ ở đình.
“Linh Phủ” nếu dâng sớ ở phủ…
-Tên nơi dâng lễ ghi trên chữ “Thượng phụng”, không ghi phía dưới mới đúng cách hành văn trong sớ.
3. ”Phật Thánh hiến cúng…”
Dòng này quý vị có thể điền
“Xuân/ Hạ/ Thu/ Đông Tiết”
Hoặc
“Xuân/ Hạ/ Thu/Đông Thiên” (tùy bản in)
Thời điểm quý vị đi lễ dâng sớ vào tháng nào ứng với mùa theo Nông Lịch của Việt Nam.
Xuân là các tháng 1, 2, 3 âm lịch
Hạ là các tháng 4, 5, 6 âm lịch
Thu là các tháng 7, 8, 9 âm lịch
Đông là các tháng 10, 11, 12 âm lịch.
Nếu ko nhớ rõ tháng, quý vị ghi là “Đương thiên” hoặc “Đương tiết”, đều có thể được.
4. ”…Tiến lễ… Giải hạn…”
Tại đây quý vị có thể điền hai chữ “Kim Ngân”, “Tài Mã”, “Hoa man”, “Phù Lưu”… sao cho hợp hoàn cảnh của quý vị.
5. ”Tín chủ… “
Đây là phần quý vị điền thông tin của chính quý vị hoặc của người đi lễ như tên, năm sinh, tuổi, cung mệnh…với lưu ý những chữ đầu tiên của các dòng, viết không được cao chữ “Phật”.
Ví dụ: Trần Văn Kèo niên sinh Kỷ Hợi hành canh lục thập nhất tuế. Hiền thê Lê Thị Cột niên sinh Giáp Thìn hành canh ngũ thập lục tuế…
Thứ tự ghi như sau:
Tên tín chủ
Vợ hoặc chồng. (Thê hoặc Phu)
Bố mẹ. (Phụ Mẫu)
Con trai. (Nam tử)
Con dâu. (Hôn tử)
Con gái. (Nữ tử)
Con rể. (Tế tử)
Các cháu… (Chúng tôn)
Kết thúc phần này bằng dòng:
“Hiệp đồng bản hội gia môn quyến đẳng
Tức nhật ngưỡng can”.
Nếu sớ dâng chỉ ghi tên một người thì ghi:
“Hiệp đồng bản mệnh đẳng
Tức nhật ngưỡng can”.
Nếu sớ dâng ghi tên tập thể, cơ quan thì ghi:
“Hiệp đồng bản hội chư nhân thượng hạ đẳng
Tức nhật ngưỡng can”.
6. ”Thiên vận… “
Dòng này là nơi quý vị ghi thời gian đi lễ.
-
Năm: Ghi năm âm lịch.
Ví dụ: Kỷ Hợi niên, Canh Tý niên…
-
Tháng: Ghi tháng đi lễ.
Lưu ý: tháng Một ghi là “Chính nguyệt”
Các tháng sau ghi bình thường.
Ví dụ: Nhị Nguyệt, Tứ Nguyệt, Thập Nhất Nguyệt…
-
Ngày: Ghi ngày đi lễ.
Từ mùng 1 đến mùng 9, ghi: Sơ nhật.
Từ mùng 10 đến ngày 19, ghi: Thập nhật.
Từ ngày 20 đến ngày 29, ghi: Nhị thập nhật.
Viết sớ Phúc Lộc Thọ không chỉ là một nghi lễ đơn thuần mà còn là cách để con người bày tỏ lòng thành kính, gửi gắm những mong ước tốt đẹp đến các vị thần linh. Biết cách viết sớ Phúc Lộc Thọ và tự tay viết sớ, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự thành tâm và tìm thấy sự an yên trong tâm hồn.